Giảng Viên Lê Quang Dũng - Chân Dung Người Thầy “Chất” Từ Phong Cách Đến Tư Duy | #MeetOurEducators04
Đôi khi, cuộc đời chẳng cần một kế hoạch hoàn hảo để dẫn ta đến đúng nơi cần đến. Bởi có những bước ngoặt bất ngờ, những lựa chọn tình cờ – nhưng lại trở thành định mệnh. Với thầy Lê Quang Dũng, hành trình trở thành giảng viên Tiếng Anh tại Trường Đại học FPT chính là một minh chứng như thế: không chủ đích, không tính trước, nhưng lại gắn bó dài lâu và đầy ý nghĩa.
MEET OUR EDUCATORS


Meet Our Educators #4 | Giảng Viên Lê Quang Dũng - Chân Dung Người Thầy “Chất” Từ Phong Cách Đến Tư Duy
Đôi khi, cuộc đời chẳng cần một kế hoạch hoàn hảo để dẫn ta đến đúng nơi cần đến. Bởi có những bước ngoặt bất ngờ, những lựa chọn tình cờ – nhưng lại trở thành định mệnh. Với thầy Lê Quang Dũng, hành trình trở thành giảng viên Tiếng Anh tại Trường Đại học FPT chính là một minh chứng như thế: không chủ đích, không tính trước, nhưng lại gắn bó dài lâu và đầy ý nghĩa.

Đi một vòng lớn, để trở về với điều mình tin là đúng
“Hay là mình đi dạy, để làm gì đó có ý nghĩa và khác biệt với những lối mòn cũ.” - ý nghĩ này bất chợt xuất hiện trong một buổi dạy kèm vào năm ba đại học, khi thầy Lê Quang Dũng (nay là giảng viên tiếng Anh tại Trường Đại học FPT) vẫn còn là chàng sinh viên trẻ nhiệt huyết. Có lẽ, chính bản thân thầy Dũng cũng không ngờ rằng khoảnh khắc thoáng qua ấy, lại âm thầm “gieo mầm” cho một hành trình dài – hành trình tìm ra điều bản thân thầy thực sự tin là đúng.
Thế nhưng con đường sự nghiệp thầy Quang Dũng lựa chọn không hề bằng phẳng hay tuyến tính. Bởi sau khi tốt nghiệp, thầy không bước chân ngay vào ngành giáo dục mà thử mình trong nhiều vai trò: làm sự kiện, phiên dịch, rồi thư ký… Không công việc nào giống công việc nào, nhưng thầy không phủ nhận bất kỳ trải nghiệm đến với mình: “Mỗi ngành nghề tôi từng kinh qua đều giúp bản thân học thêm các kỹ năng, kinh nghiệm quý giá và góp phần hình thành nên con người tôi của hiện tại".
Lần đầu tiên thầy Lê Quang Dũng đặt chân đến FPT là vào năm 2016, chỉ để tham gia tổ chức sự kiện. Mặc dù là duyên tình cờ nhưng cảm giác “thú vị” của ngày hôm đó đã khiến thầy nảy ra một suy nghĩ: “Biết đâu trong tương lai, mình sẽ làm việc ở đây". Rồi thầy Dũng lại tiếp tục chặng hành trình của mình, rong ruổi qua những công việc, những thử thách khác. Cho đến năm 2021, thầy một lần nữa về FPT nhưng không phải chỉ ghé qua nữa mà là để “ở lại” và “cống hiến”.
Kỳ lạ thay, những trải nghiệm "trái ngành" tưởng chừng không liên quan trong quá khứ đã cộng hưởng định hình nên một người thầy khác biệt – linh hoạt, gần gũi hơn và luôn mang theo tinh thần “không lặp lại những điều cũ kỹ”.
“Giảng dạy ở FPT hợp với tôi, vì ở đây thoải mái, tự do, miễn là đạt hiệu quả, vẫn bám sát khung chương trình học thì không ai bắt tôi phải theo khuôn mẫu cứng nhắc trong cách thực hiện.” – thầy Quang Dũng mỉm cười khi kể lại.
Trong suy nghĩ của mình, thầy Dũng xem Trường Đại học FPT không chỉ là nơi để làm việc, mà là một không gian cho sự phát triển cá nhân, cho tư duy giáo dục tự do. Tại đây người giảng viên này có thể vừa là thầy, vừa là người bạn đồng hành đúng nghĩa của sinh viên.


Giáo dục bắt đầu bằng sự thấu hiểu
Mang theo sự dí dỏm như một “vũ khí tối thượng”, thầy Lê Quang Dũng không lựa chọn cách giảng bài khô khan hay giáo điều. Thay vào đó, mỗi tiết học của thầy luôn tràn đầy năng lượng và tiếng cười, với những tình huống “gây cười nhưng không gây quạo”, khiến kiến thức trở nên dễ tiếp thu hơn bao giờ hết. Thầy cũng thường lồng ghép nội dung bài học vào những câu chuyện cá nhân – càng gần gũi, càng chân thật thì càng tạo được sự kết nối với sinh viên.
Thầy Dũng chia sẻ: “Thuở còn đi học, tôi cũng vậy! Tôi thường nhớ lâu những gì hài hài, có liên quan đến bài học. Vì thế khi dạy, tôi cũng dùng sự hài hước để giúp sinh viên nhớ bài tốt hơn.”. Đáng chú ý, thầy còn nắm bắt nhanh chóng các xu hướng giới trẻ: từ những trào lưu, người nổi tiếng đến các câu nói nổi bật trên mạng xã hội và khéo léo đưa chúng vào bài giảng một cách tự nhiên.
Với thầy Dũng, giảng dạy không giới hạn ở việc truyền đạt kiến thức trong sách vở, mà còn là hành trình đồng hành cùng sinh viên khám phá điều mới mẻ – từ khái niệm chuyên môn đến những bài học cuộc sống. “Nhiều sinh viên tìm đến tôi không chỉ để hỏi bài, mà còn để chia sẻ, xin lời khuyên về công việc, định hướng tương lai – và chính điều đó khiến tôi cảm thấy bản thân thực sự có giá trị và ý nghĩa.” – thầy Quang Dũng chia sẻ.
Nhắc đến kỷ niệm đáng nhớ nhất, thầy không ngần ngại kể về lớp học đầu tiên mình đảm nhiệm vào năm 2021 – những gương mặt đầu tiên đã in dấu sâu đậm trong hành trình giảng dạy. Trong đó, cái tên Tố Uyên – “chúa hề” của lớp, kiêm luôn “Bộ trưởng Bộ Ngoại giao” – luôn khiến thầy bật cười mỗi khi nhớ lại. Đặc biệt, dù các bạn trong lớp ấy nay đã tốt nghiệp, nhưng mối liên hệ giữa thầy và sinh viên vẫn còn được duy trì – minh chứng rõ ràng cho sự kết nối chân thành mà thầy Dũng đã và đang thực hiện, mỗi ngày.


Học ngoại ngữ không chỉ trong sách – nó nằm cả trong cuộc sống
Kinh qua nhiều năm giảng dạy, không chọn cách truyền đạt bằng lý thuyết khô khan hay những công thức rập khuôn, thầy Lê Quang Dũng nhìn nhận ngôn ngữ như một phần sống động của đời sống, nơi mà người học cần tiếp xúc và cảm nhận bằng cả sự tò mò và yêu thích. “Ngoại ngữ không nên bị nhìn nhận như môn Toán – nó không phải chỉ là một chuỗi công thức hay quy tắc cứng nhắc. Ngôn ngữ thực ra linh hoạt và sống động hơn rất nhiều” - thầy Dũng cho biết.
Chính vì vậy, thay vì thúc ép sinh viên học thuộc lòng, thầy chọn khuyến khích các bạn "sống" cùng ngôn ngữ - để tiếng Anh trở thành người bạn đồng hành hằng ngày: “Nếu chỉ chăm chú học trên lớp hoặc chỉ nắm kiến thức kiểu công thức thì tôi nghĩ vẫn chưa đủ. Điều quan trọng là phải tăng cường tiếp xúc với ngôn ngữ ấy bên ngoài lớp học – ví dụ như xem phim, nghe nhạc, đọc truyện… Chỉ các bạn cần tiếp xúc thường xuyên cũng đã là một cách học rất hiệu quả.”.
Điều đặc biệt là nền tảng tư duy của thầy Quang Dũng lại bắt nguồn từ một cuốn sách tưởng chừng khô khan – "Nguyên lý cơ bản của Chủ nghĩa Mác-Lênin". “Nghe thì có vẻ khó nhằn, nhưng thật sự đây là một quyển sách hay – nếu mọi người học, đọc nó một cách nghiêm túc. Tôi vẫn nhớ như in một triết lý đến tận bây giờ: “Muốn giải quyết triệt để một vấn đề, phải tìm được nguyên nhân gốc rễ của nó”. Đây cũng chính là tư duy tôi áp dụng trong mọi việc – từ lúc làm công việc thư ký tới khi theo nghề dạy học. Vì vậy, khi sinh viên gặp khó khăn trong bài vở, tôi luôn cố gắng suy nghĩ xem vấn đề thật sự nằm ở đâu, rồi từ đó giúp họ tháo gỡ từng chút một".” - thầy kể.
Không ồn ào, không khoa trương, “chất riêng” của thầy Lê Quang Dũng nằm ở sự chân thành, sự tử tế và một niềm tin vững chắc vào giá trị của giáo dục khai phóng. Thầy dạy tiếng Anh, nhưng điều sinh viên Trường Đại học FPT học được còn nhiều hơn thế: là cách tư duy sâu sắc, là cách yêu lấy hành trình học tập của chính mình, là tinh thần không ngại thử – không ngại sai – không ngại khác biệt.
Hạnh Ly