Thầy Nguyễn Quốc Bảo - Học Tập Là Hành Trình Không Biên Giới | #MeetOurEducators02
Gắn bó với Trường Đại học FPT suốt hơn một thập kỷ, thầy Nguyễn Quốc Bảo - giảng viên khối ngành Kinh tế, đã có quãng thời gian đáng nhớ khi không chỉ dành cho công tác giảng dạy mà còn là sự đồng hành với thế hệ trẻ trong những ước mơ và khát vọng vươn xa.
MEET OUR EDUCATORS
Meet Our Educators #2 | Thầy Nguyễn Quốc Bảo - Học Tập Là Hành Trình Không Biên Giới
Gắn bó với Trường Đại học FPT suốt hơn một thập kỷ, thầy Nguyễn Quốc Bảo - giảng viên khối ngành Kinh tế, đã có quãng thời gian đáng nhớ khi không chỉ dành cho công tác giảng dạy mà còn là sự đồng hành với thế hệ trẻ trong những ước mơ và khát vọng vươn xa.
10 năm cùng FPT: Một hành trình, vạn kỷ niệm
Nhìn lại hành trình đã gắn bó cùng ngôi trường “áo cam”, thầy Nguyễn Quốc Bảo của khối ngành Kinh tế, Trường Đại học FPT chia sẻ: "Mười năm dừng chân tại FPT là mười năm đầy ắp yêu thương và kỷ niệm. Không chỉ là với nhà trường, đó còn là những dấu mốc không thể quên cùng các thế hệ sinh viên đã học tập, trưởng thành và bay cao, bay xa. Ngoài ra, thầy cũng đã chứng kiến biết bao sự kiện quan trọng khi FPT từ một campus nhỏ ở Quang Trung vươn mình thành một khu campus rộng lớn ở khu công nghệ cao.
Thầy còn nhớ như in những tháng ngày giãn cách vì Covid, mặc dù khó khăn, nhưng thật ấm áp khi chúng ta cùng nhau vượt qua thử thách, nắm tay tiếp tục bước đi. Dù có những lúc gian khó, mất mát, nhưng niềm vui, tiếng cười hạnh phúc và sự đoàn kết vẫn luôn là những ký ức ngọt ngào. Thầy vô cùng biết ơn vì được đồng hành cùng trường, cùng các sinh viên và cả tập thể này.”.
Cơ duyên đưa thầy Quốc Bảo đến và ở lại với Trường Đại học FPT là sự tổng hòa của nhiều lý do khác nhau: “Thực ra, thầy luôn tâm đắc với lý tưởng học tập suốt đời và mang trong mình sự tò mò không ngừng về cách thức vận động của sự vật, sự việc. Vì vậy, thầy cảm thấy vô cùng hứng thú khi được tiếp cận với những ý tưởng, cách suy nghĩ mới.


Đến với trường sau khi đã trải qua một quãng thời gian học hỏi, tiếp xúc nhiều kiến thức thực tế, thầy không chỉ dừng lại ở việc chia sẻ chúng mà còn học hỏi từ các sinh viên và cập nhật thêm những điều mới mẻ khác. Thầy tin rằng sự tôn trọng và tương tác hai chiều là yếu tố giúp cho quá trình học tập trở nên hiệu quả và đáng giá hơn.
Cuối cùng, trong suốt hành trình của mình, thầy luôn cảm nhận rõ ràng một điều quan trọng – đó là sự gắn kết với tổ chức. Cảm ơn Trường Đại học FPT đã tạo ra một môi trường tuyệt vời, nơi có sự tự do, độc lập và hơn hết là sự tôn trọng mọi ý tưởng, mọi tiếng nói. Điều này góp phần hình thành nền tảng để giảng viên và sinh viên đều có thể phát triển ngày một lớn mạnh. Từ đây họ sẽ mang theo những kiến thức, trải nghiệm quý giá của mình để lan tỏa, chia sẻ với cộng đồng và tạo ra một vòng xoáy tích cực, thúc đẩy mọi người cùng nhau vươn tới thành công.”.
Chuyện người trẻ vươn mình ra biển lớn
Trong suy nghĩ của thầy Nguyễn Quốc Bảo, thành công "vươn ra biển lớn" ở người trẻ không chỉ là việc trang bị sự tự tin, năng lực chuyên môn, khát khao cùng bản lĩnh để lèo lái cuộc đời. Đó còn là sứ mệnh tạo nên những ảnh hưởng tích cực cho doanh nghiệp, cộng đồng và cả đất nước trong những thời kỳ đầy biến động. Đúc rút từ kinh nghiệm của bản thân, thầy Quốc Bảo chia sẻ: "Thầy từng có thời gian 4 đến 5 năm làm việc trong các doanh nghiệp lớn. Thuở ấy, cũng như bao bạn trẻ, thầy tràn đầy nhiệt huyết, luôn muốn khẳng định khả năng và cống hiến hết 100% công suất. Nhờ những tháng ngày ấy, thầy học được rất nhiều bài học quý giá về thành công không bao giờ đến dễ dàng. Bởi thương trường không bao giờ chờ đợi ai và các cuộc cạnh tranh không lúc nào ngơi nghỉ. Sau bao thử thách, thầy dần trở nên mạnh mẽ hơn và học được cách nhìn nhận môi trường kinh doanh ở góc nhìn đa chiều.
Thầy nhận ra rằng con đường mà mỗi người chọn sẽ phụ thuộc vào bản thân họ. Nếu như thầy chọn giảng dạy và nghiên cứu để tiếp tục hành trình học tập suốt đời, thì các bạn cũng có thể lựa chọn con đường của riêng mình. Hãy luôn tự hỏi: 'Liệu mình có đủ tò mò và khát khao khám phá không?' và 'Bản thân có dám bước ra ngoài, chấp nhận thử thách và sử dụng khả năng của mình để tạo ra sự khác biệt không?'. Chẳng có con đường nào là sai cả, chỉ có hướng đi có thực sự phù hợp với chính bạn không. Hãy tự tin tích lũy kiến thức, hành động với niềm tin vững chắc và dám theo đuổi đam mê để quyết định đúng đắn.".


Tiếp nối về quan niệm về mỗi cuộc đời đều có lộ trình riêng, nhanh hay chậm tùy thuộc vào mưu cầu cá nhân, thầy Bảo chia sẻ thêm về góc nhìn thú vị: "Thầy luôn coi các bạn là trung tâm và chỉ khơi gợi những vấn đề để các bạn tự tìm ra phương hướng. Bởi các bạn không chỉ là người học mà còn là những "kiến trúc sư" xây dựng nền tảng kiến thức cho chính mình. Vì vậy, các bạn không phải tuân theo một mô hình học tập cố định mà có thể tự chọn lựa những gì phù hợp với mình.
Một số sinh viên sẽ chọn hướng đi ngắn, bởi vì đó là điều phù hợp với các bạn trong thời điểm này. Trong khi những bạn khác sẽ mở ra hành trình dài hơn khi thấy giá trị trong việc ứng dụng kiến thức đó vào cuộc sống, công việc, hay thậm chí là sự nghiệp. Giống như việc xây dựng một ngôi nhà, có người thích xây lâu đài, người khác lại chọn xây một ngôi nhà phố hoặc một biệt thự xinh đẹp. Với thầy, điều quan trọng là tôn trọng mục đích và đích đến của mỗi bạn.”.
Nỗi lòng một nhà giáo: Làm sao để không sinh viên nào bị bỏ lại phía sau?
Đối với sự nghiệp "trồng người", thầy cô chúng ta cũng có lúc không tránh khỏi những thử thách. Nhưng chính những khó khăn ấy lại thắp lên ngọn lửa đam mê, thôi thúc họ không ngừng đổi mới và cống hiến vì thế hệ mai sau. Thầy Nguyễn Quốc Bảo tâm sự: “Là một giảng viên, lý tưởng lớn nhất của thầy là mong muốn sinh viên có thể tiếp thu hết kiến thức và phát triển một cách toàn diện. Vì thế, ai ai cũng hy vọng không có sinh viên nào bị bỏ lại phía sau.
Một vấn đề khác mà thầy cũng rất băn khoăn là cách làm sao để sinh viên chủ động hơn trong việc học, tự do trao đổi, hỏi han và chia sẻ. Nhưng khi nhìn thấy các bạn ngồi im lặng mà không tương tác, thầy cảm thấy khá buồn và tự hỏi liệu mình có thể làm gì để khơi dậy sự tò mò, sự chủ động của các sinh viên. Sau cùng, thầy mong muốn giá trị mình truyền đạt sẽ lan tỏa theo cấp số nhân. Ví dụ, khi dạy 10 bạn, thầy không chỉ muốn mang lại giá trị thực sự, mà còn hy vọng các bạn ấy sẽ tiếp tục tạo ra giá trị và truyền cảm hứng cho những người khác.
Với thầy, giảng dạy không chỉ là công việc mà còn là sứ mệnh - hành trình không bao giờ kết thúc. Và thầy sẽ tiếp tục đi con đường này, cho đến khi không còn khả năng cống hiến nữa mới thôi.”.
Hạnh Ly